Xin quý thính giả điền tựa đề bài hát có dấu tiếng Việt, vào ô SEARCH bên tay phải để kiếm bài hát mình muốn nghe.
Click Vào Đây Để Thưởng Thức Những Nhạc Phẩm TOP HITS Của NS Hoàng Thanh Tâm trên YOUTUBE

Friday, July 31, 2009

VẾT THƯƠNG ĐỜI CỦA EM (Hoàng Thanh Tâm)

Gởi Trần Trung Đạo, Huỳnh Duy Lộc, Thế Dũng Trần, PV Hai, Hoàng Dược Sư, Hoàng Guitar, Agonboy, Linh Phương, Huỳnh Thanh Luân….

“… Khi tôi nhặt một người ngoài đường phố, đang đói khát, tôi cho người ấy một đĩa cơm, một miếng bánh, tôi cảm thấy hài lòng vì đã cứu đói cho người ấy. Nhưng khi một người bị gạt bỏ, cảm thấy mình sống thừa thãi, không được yêu thương, sống trong kinh hãi, con người đang bị gạt ra bên lề xã hội – sự nghèo khổ ấy là khốn khổ hơn, tôi thấy rất khó mà cứu giúp.”  

Mẹ Teresa


Khoảng năm 1988, khi mới từ Canberra dọn về Sydney sinh sống, tôi thường hay đọc tờ báo bán nguyệt san Làng Văn do NS Nguyễn Hữu Nghĩa chủ trương, xuất bản tại Canada. Có một lần tôi đã đọc một bài viết trong tờ báo này, nói về nhạc phẩm “Đời gọi em biết bao lần” của NS Trịnh Công Sơn.

Sau khi đọc xong bài viết và nghe nhạc phẩm này của NS Trịnh Công Sơn, lòng tôi cảm thấy buồn bã như bị đánh mất một thứ gì quý báu trong đời…. Buồn vì thấy có những điều không thực tế với những lời lẽ trong bản nhạc này. Càng buồn hơn vì NS Trịnh Công Sơn là một người nhạc sĩ mà tôi đã vô cùng ngưỡng mộ từ lúc tôi mới chỉ là một cậu bé 13 tuổi, qua hai nhạc phẩm “Người già em b锓Giọt nước mắt cho quê hương”. Hai tác phẩm của NS Trịnh Công Sơn mà tôi biết lần đầu tiên trong đời, nằm trong tập nhạc “CA KHÚC DA VÀNG _Thần thoại quê hương, tình yêu và thân phận” của ông.

Vào thời điểm này, tôi chỉ mới bắt đầu chính thức bước vào lãnh vực sáng tác ca khúc tại hải ngoại được hai năm, với 2 album nhạc tình ca Hoàng Thanh Tâm gồm những sáng tác mới của tôi đã được phát hành ở Hoa Kỳ là “Lời Tình Buồn”“Khúc nhạc sầu cho em”.

Những ngày sau đó, tôi đã viết nhạc phẩm “Vết thương đời của em”, như để xoa dịu cho chính tôi những bứt rứt và khó chịu trong lòng. Vì vậy nhạc phẩm này đã ra đời, không phải chỉ là niềm cảm thông của tôi đến với những thân phận tăm tối của những cô gái ở quê nhà, mà còn là sự thôi thúc từ những mong muốn nói lên suy nghĩ của tôi về một thực trạng trên quê hương mình…

Những giai điệu với tiết tấu có pha chút “blues” trong bản nhạc “Đời gọi em biết bao lần” của NS Trịnh Công Sơn rất hấp dẫn và lôi cuốn người nghe, như bao tuyệt phẩm khác của ông … Nhưng theo riêng cảm nhận của tôi thì những lời lẽ trong bản nhạc có vẻ như … quá lý tưởng và xa rời thực tế!

Bản nhạc đã vẽ lên một bức họa như một thiên đường đầy hoa thơm cỏ lạ và những yêu thương ngút ngàn chỉ có trên … tiên giới. Nơi đó không có sự đói khổ nghèo khốn hay những ngày tháng lang thang vất vưởng của những thân phận tăm tối, không có nỗi sợ hãi của những bắt bớ tù đày, không có nỗi cô đơn trĩu nặng trong tâm hồn, không còn những giọt nước mắt tủi nhục nghẹn ngào trong đêm, sau những giờ phút thân xác bị tả tơi vùi dập …. Mà chỉ có đôi tay dang rộng đầy yêu thương của cuộc đời sau những lầm lỡ, và sự nâng niu vỗ về bằng những cành hoa thơm ngát giữa tâm hồn mà “cuộc đời” dâng tặng?!!!

“…Đời gọi em về giữa yêu thương
Để trả em ngày tháng êm đềm
Trả lại nắng trong tim
Trả lại thoáng hương thơm…”

Hay:

“…Đời nhẹ nâng bước chân em
Về lại trong phố thênh thang
Bao buồn xưa sẽ quên
Hãy yêu khi đời mang đến
Một cành hoa giữa tâm hồn…”


Trong thời điểm của cuộc nội chiến tương tàn, giữa 2 miền Nam Bắc, NS Trịnh Công Sơn đã vẽ những bức họa thật sống động và xác thực về những thảm cảnh của chiến tranh trong những nhạc phẩm như: Tình ca người mất trí, Ngụ ngôn mùa đông, Người con gái Việt Nam da vàng, Du Mục, Ngụ ngôn mùa đông, Hát trên những xác người, Bài ca dành cho những xác người vv… với những hình ảnh có thật mà ông đã chứng kiến trong tết Mậu Thân, ngay lúc ông đang ở Huế… Và những hình ảnh đau thương đẫm lệ trong suốt chiều dài của cuộc chiến được ông viết lên bằng trái tim hằn sâu những vết thương đau, đã làm rúng động hằng triệu người Việt Nam cũng như toàn thế giới, khiến cho những con tim chai sạn nhất cũng phải đổ lệ ngậm ngùi …Những hình ảnh như:

“…Tôi có người yêu bỏ xác trôi sông
Chết ngoài ruộng đồng, chết rừng mịt mùng
Chết lạnh lùng mình cháy như than….”

“…Tôi có người yêu nằm chết cong queo
Chết vào lòng đèo, chết cạnh gầm cầu
Chết nghẹn ngào mình không manh áo..”
Tình ca người mất trí (Trịnh Công Sơn)

“…Người con gái một hôm qua làng
đi trong đêm, đêm vang ầm tiếng súng
Người gái chợt ôm tim mình
trên da thơm, vết máu loang dần…”

“…Ôi cái chết đau thương vô tình
Ôi đất nước u mê ngàn năm
Em đã đến quê hương một mình
Riêng tôi vẫn âu lo đi tìm…”
Người con gái Việt Nam da vàng (Trịnh Công Sơn)

“…Xác người nằm quanh đây,
trong mưa lạnh này
Bên xác người già yếu,
có xác còn thơ ngây
Xác nào là em tôi,
dưới hố hầm này
Trong những vùng lửa cháy,
bên những vồng ngô khoai…”
Bài ca dành cho những xác người (Trịnh Công Sơn)

Những hình ảnh ghê rợn, thê lương và đầy tính xác thực trong những ca khúc của TCS trên, không hề được một giải thưởng nào từ chính quyền của cả 2 miền đất nước, và hầu hết những nhạc phẩm này, cho đến hôm nay vẫn nằm trong danh mục cấm, dù chiến tranh đã kết thúc hơn 34 năm?!!....

Nhưng nhạc phẩm “Đời gọi em biết bao lần” của NS Trịnh Công Sơn viết năm 1979, đánh dấu sự trở lại của ông sau mấy năm “im hơi lặng tiếng” lại được trao giải thưởng cho bài hát hay nhất trong phim “Tội lỗi cuối cùng”?!!!

Những phẩn uất của TCS đối với “bạo cường”, đối với “tham vọng” của con người trong “Hãy sống giùm tôi” đã không còn tìm thấy được trong những tác phẩm của ông sau 1975…

“Hãy sống giùm tôi
Hãy nói giùm tôi
Hãy thở giùm tôi
Thịt da này dành cho thù hận
Cho bạo cường
Cho tham vọng của một lũ điên…”
Hãy sống giùm tôi_Trịnh Công Sơn

Điều này đồng nghĩa với sau 1975, đất nước chúng ta đã không còn “bạo cường” và không còn “tham vọng của một lũ điên” hoặc giả NS Trịnh Công Sơn không có sự lựa chọn để nói lên sự thật những gì mình muốn nói!

Khi người nghệ sĩ chân chính không nói lên được những uất nghẹn quằn quại trong trái tim của mình, thì sự phẩn nộ từ chính lương tâm và lòng chân thật sẽ dẫn tới sự tuyệt vọng chán chường trong tâm hồn…, Và cuối cùng ông cũng đã tâm sự với cuộc đời, với mọi người những gì chân thật nhất từ trái tim của một con người Việt Nam, đã trải nghiệm qua biết bao đau thương rằng, ông không còn gì để chiêm bái ngoài nỗi tuyệt vọng của mình, bởi ông biết rằng niềm vinh quang mà ông đã hằng ấp ủ trong suốt cuộc đời mình chỉ là điều dối trá:

Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau. Từ buổi con người sống quá rẻ rúng, tôi biết rằng vinh quang chỉ là điều dối trá.
Tôi không còn gì để chiêm bái ngoài nỗi tuyệt vọng và lòng bao dung. Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng, để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa. Tôi không muốn khuyến khích sự khổ hạnh, nhưng mỗi chúng ta hãy thử sống, cùng một lúc, vừa là kẻ chiến thắng, vừa là kẻ chiến bại… Nỗi vinh nhục đã mang ta ra khỏi đời sống để đưa đến những đấu trường.”
Lời tự sự của Trịnh Công Sơn


LỜI TỰ SỰ CỦA TRỊNH CÔNG SƠN (Đỗ Trung Quân diễn đọc)



Khi trở lại Mỹ năm 1988 để thực hiện băng nhạc tình ca Hoàng Thanh Tâm 3, chủ đề “Tháng Sáu Trời Mưa” với trung tâm Diễm Xưa, tôi đã mời ca sĩ Khánh Ly thâu âm nhạc phẩm “Vết Thương Đời Của Em” trong cuốn băng này.

Chị Khánh Ly đã bằng lòng trình bày nhạc phẩm này, nhưng đến phút cuối thì chị đã không đến được Asia studio để thâu âm vì bị bệnh! Sau đó tôi đã mời ca sĩ Julie trình bày bài này thay cho chị Khánh Ly

Những lời lẽ trong “Vết thương đời của em” đã vẽ lại một bức tranh khác hẳn với những hình ảnh trong “Đời gọi em biết bao lần”, vì đó là những cảnh đời tôi nhìn thấy thật sự ngoài đời. Tôi đã viết lên những rung cảm rất trung thực từ trong suy nghĩ của mình không qua một đơn đặt hàng, hay cho một chủ đích hoặc kỳ vọng ở một sự cổ vũ nào cả!

Tôi nhớ có một lần năm 1988, một chương trình phát thanh Việt ngữ ở Melbourne cho phát bài hát “Vết thương đời của em” và phỏng vấn tôi trong chương trình phát thanh, với câu hỏi đại ý tôi có muốn dùng âm nhạc của mình như một công cụ để góp phần vào công cuộc đấu tranh dân chủ vv… Tôi đã trả lời là tôi không đủ khả năng để làm cái công việc lớn lao đó, âm nhạc tôi chỉ là tiếng nói trung thực từ những cảm xúc của riêng tôi, và tôi không có tham vọng dùng âm nhạc của mình để phục vụ cho một cá nhân hay đoàn thể nào cả. Âm nhạc tôi chỉ đơn thuần là những tâm tư tình cảm riêng tư của tôi, gởi đến những thính giả đồng cảm, như một lời tâm sự về những buồn vui của kiếp sống quanh tôi…

“Vết thương đời của em” đã được viết lên từ nỗi buồn pha lẫn chút phẩn nộ … Nỗi buồn tựa như một người tình phụ, đã đặt hết lòng tin yêu trong trái tim mình, để rồi chỉ nhận lại từ người mình yêu, những lời yêu thương thoát ra từ “chót lưỡi đầu môi”….

NS Trịnh Công Sơn không hề gian dối với những rung động thật sự trong những sáng tác của ông, mà chỉ vì đôi khi ông đã quá yêu cái “hình tượng” mà người ta đã đặt sẳn trong một bối cảnh có chủ đích, để nhờ ông nói lên “hộ” những gì họ muốn nói…. Và vô tình ông đã tiếp tay cho những dối trá, trong khi chính bản thân ông không hề nghĩ đến những khác biệt giữa kiếp đời hư thực….

KIếp đời của những người con gái trong “Vết thương đời của em” là những thân phận nghiệt ngã mà cuộc đời hay chính bản thân của họ đã dìm họ chìm sâu trong những vũng lầy tăm tối của kiếp sống: sự tăm tối của nghèo đói, sự tăm tối của tri thức không được dạy dỗ để hiểu giá trị nhân phẩm của con người, sự tăm tối của những trí óc non dại chưa đủ trí khôn để có thể tránh xa những cạm bẫy cuộc đời, và sự tăm tối của thói quen không cưởng lại sức cám dỗ từ những đam mê phù phiếm và những đồng tiền dơ bẩn của những kẻ “ăn trên ngồi trước”…

Một điều hết sức phi lý của luật pháp Việt Nam là những gái mại dâm khi bị bắt quả tang, sẽ bị kết tội và bị đưa vào “trường phục hồi nhân phẩm”, trong khi những người đàn ông đã dập vùi thân xác của những cô gái này bằng đồng tiền dơ bẩn của mình, thì chỉ bị “xử phạt hành chính”?!!

Điều này đồng nghĩa với việc những người mua dâm không bị tội, chỉ có người bán dâm mới có tội mà thôi. Vì vậy những lời lẽ trong bản nhạc “Đời gọi em biết bao lần”, nếu áp dụng cho người đàn ông trong hoàn cảnh này, có lẽ sẽ thích hợp hơn nhiều…

“… Đời gọi“anh”về giữa yêu thương
Để trả”anh”ngày tháng êm đềm…”

“… Đời nhẹ nâng bước chân“anh”
Về lại trong phố thênh thang…”


Nếu chúng ta chịu khó tìm hiểu và nhìn vào những nguyên nhân sâu xa, cũng như hoàn cảnh của một xã hội nhiễu nhương hiện tại, để phân tích một cách khách quan, thì sẽ thấy rằng những cô gái được đề cập ở đây thật sự chỉ là nạn nhân, chớ không phải là thủ phạm của những tội lỗi mà cuộc đời đã gán ép cho họ.

“Vết thương đời của em” đã được viết lên từ những suy nghĩ về thân phận của những con người “tội lỗi” này. Những con người chỉ biết lầm lũi chạy trốn để tránh những vết dao oan nghiệt mà cuộc đời đã cứa lên, thành những vết thương trong tâm hồn mình. Và khi lòng bao dung của con người không đi đôi với việc giải quyết những đói khổ và cô đơn trong kiếp sống hay trong tâm hồn họ, thì những cô gái đáng thương kia sẽ chẳng bao giờ có được một lối thoát cho một “tội lỗi cuối cùng”…
Hoàng Thanh Tâm


VẾT THƯƠNG ĐỜI CỦA EM - Kiều Nga
Nhạc và lời : Hoàng Thanh Tâm
Trình bày : Kiều Nga


Đi về đâu hỡi em,
Khi màn đêm đã che mặt trời
Khi hoàng hôn xuống trên phận đời
Khi loài người đã bỏ rơi em
Đi về đâu hỡi em,
Bạn bè xưa giờ đã phân ly
Người tình xưa giờ đã ra đi,
Còn lại em suối tuôn bờ mi

Đi về đâu hỡi em, khi đời hoang vắng bao tình người
Khi lòng khan hiếm bao nụ cười
Khi hận thù vây bủa thân em
Đi về đâu hỡi em, từng ngày vui chìm khuất trong mây
Mộng đời tan thành khói sương bay
Em quên giấc mơ đời nồng say.

Đời xua em xa bến bờ yêu thương
Đời xô em đến cõi đời hoang sơ
Đêm áo cơm nhuốc nhơ đời em
Đêm buốt đau vết thương trần gian

Đi về đâu hỡi em, khi đời giăng mắc bao ngục tù
Khi lòng băng giá như tượng buồn
Bia mộ còn khát vọng yêu thương
Đi về đâu hỡi em, giòng lệ khô vùi lấp ngây thơ
Thuở đời vui tàn úa như mơ
Em chỉ muốn tan thành hư vô.

CODA :
Đi về đâu hỡi em
Đi về đâu hỡi em
Em không còn gì để mất
Bên cõi đời tăm tối, em ơi!......



Đi về đâu hỡi em, khi đời giăng mắc bao ngục tù
Khi lòng băng giá như tượng buồn
Bia mộ còn khát vọng yêu thương


Đi về đâu hỡi em, khi màn đêm đã che mặt trời
Khi hoàng hôn xuống trên phận đời
Khi loài người đã bỏ rơi em


Đi về đâu hỡi em, khi đời hoang vắng bao tình người
Khi lòng khan hiếm bao nụ cười
Khi hận thù vây bủa thân em


Đời xua em xa bến bờ yêu thương
Đời xô em đến cõi đời hoang sơ


Đêm áo cơm nhuốc nhơ đời em
Đêm buốt đau vết thương trần gian…


Đi về đâu hỡi em, giòng lệ khô vùi lấp ngây thơ
Thuở đời vui tàn úa như mơ
Em chỉ muốn tan thành hư vô.


Em không còn gì để mất
Bên cõi đời tăm tối, em ơi!......

Nhạc phẩm "Vết Thương Đời Của Em" được viết tại Sydney năm 1988. Ca sĩ Julie thu âm lần đầu tiên trong băng nhạc "Tháng Sáu Trời Mưa"(tình ca Hoàng Thanh Tâm 3) do trung tâm Diễm Xưa phát hành tại Hoa Kỳ năm 1988

Nghe "Vết Thương Đời Của Em" qua tiếng hát Julie

VẾT THƯƠNG ĐỜI CỦA EM - Julie







free counters

Sunday, July 26, 2009

PHIẾN ĐÁ SẦU - Hoàng Thanh Tâm

Tặng H.A, Agonboy, PV Hai, Phan Khắc Huy, Huỳnh Thanh Luân, Hoàng Dược Sư và nhà thơ Linh Phương….


Lần đầu khi nghe nhạc phẩm “Phiến Đá Sầu” của Diệu Hương, bài hát đã gợi cho tôi những kỷ niệm buồn thảm nhất của một đoạn đời… Những lời lẽ trong bài nhạc như mũi dao cào xé vết thương còn đang mưng mủ trong tâm hồn, và những kỷ niệm của một cuộc tình buồn, đã trở về làm buốt nhói trái tim đau.


“…Mai em xa rời tôi
Còn ai cùng đi giữa đời
Mênh mông đây là đâu
Là biển vắng đêm sâu…”

Nhớ lại những ngày tháng muộn phiền trong âm thầm, ngay cả khi tình yêu chưa quay mặt, nỗi niềm riêng tư thầm kín tựa như phiến đá sầu nằm im lìm, nhưng đã ẩn chứa sẵn những mầm ly biệt …

“…Khi em quay mặt đi
Lòng tôi tựa phiến đá sầu
Chơ vơ trong lạnh câm
Muộn phiền theo tháng năm…”

Lời trách cứ trong bản nhạc nghe chừng như rất nhẹ nhàng, nhưng chất chứa những cảm xúc thật mãnh liệt của niềm cô đơn, muộn phiền trong tâm hồn của người ở lại, khi đứng nhìn hạnh phúc đã vuột bay khỏi tầm tay với.

“… Em vô tình làm sao
Hồn tôi giờ đây úa nhầu
Trong đêm thâu gọi tên
Lòng càng vắng xa thêm…”

Tôi đã ghi lại những rung động thầm kín nhất của niềm đau trong trái tim, qua những giai điệu nghẹn ngào trong nhạc phẩm này, bằng tiếng thở dài cam chịu của số phận, bằng nỗi ngậm ngùi của phiến đá ngàn năm nằm nuối tiếc thiên đường đã mất. Và tôi cũng đã băn khoăn tự hỏi, rồi tôi cũng như phiến đá nằm kia, sẽ còn ôm mãi nỗi quạnh hiu của mình cho đến bao giờ?


Em hỏi tôi: "Đá biết thở dài xa xôi ?"
Em hỏi tôi: "Đá có ngậm ngùi chia phôi ?"
Em và tôi thiên đường mất rồi
Trên lối về mình tôi bước dài lê thê

…Tôi hôm nay là ai ?
Hồn như một phiến đá nằm
Trăm năm như ngàn năm
Người cùng đá băn khoăn ...”

Friday, July 24, 2009

VÌ ĐÓ LÀ EM - Hoàng Thanh Tâm (LIVE)

Tôi yêu thích nhất 2 nhạc phẩm “Vì đó là em” và “Phiến đá sầu” của Diệu Hương qua giọng ca của ca sĩ Quang Dũng. Thứ nhất là vì 2 nhạc phẩm này rất đặc sắc, so với những bài tình ca khác của Diệu Hương. Thứ hai là tôi đều có kỷ niệm với 2 nhạc phẩm này ….
Kỷ niệm gần nhất là với người tôi yêu dấu ở những câu như:

“…Ta yêu em băng mây ngàn biển rộng

Ta yêu em qua đông tàn ngày tận
Yêu em như yêu vùng trời mênh mông…”

Và những câu nhạc đầy những đam mê và yêu thương nồng nàn, khiến tôi phải “băng mây ngàn biển rộng”, để “như xa xôi nay quay về gần gủi”, và khi bước chân càng đến gần hơn với cuộc tình, thì trái tim tôi càng trở nên dại cuồng ….


“ … Không cần biết đêm dài sâu

Không cần biết bao gầy hao
Ta ngồi đếm tên thời gian
Nghe thương yêu dâng cao như ngọn đồi
Như xa xôi nay quay về gần gủi
Yêu em khi chỉ biết đó là em … “

Chỉ có điều, cuối cùng tôi đã “may mắn” hơn hình ảnh của người con trai trong bản nhạc của Diệu Hương, là người yêu dấu của tôi vẫn chờ tôi và đã không bỏ đi như đoạn cuối của bản nhạc…. Có lẽ vì nàng thấy tôi “đẹp trai” hơn người con trai trong “Vì đó là em”?!! Và cũng có thể vì nàng không nỡ để trái tim tôi phải mang thêm một nỗi sầu hận vì …. đàn bà nữa!


Thêm một lý do rất … văn nghệ nữa là, vì tôi đã liều lĩnh “cạnh tranh” với Quang Dũng để hát tặng nàng bài hát này, như “quà tặng trái tim” tôi trao cho nàng, thay cho …. hột xoàn và dầu thơm, vì tôi … không có tiền để sắm những thứ xa xỉ phẩm này!


Mời các bạn lắng nghe “lời tỏ tình” của tôi với người yêu dấu, cách tỏ tình này “đảm bảo hiệu quả” cao, chỉ với điều kiện duy nhất là người phụ nữ yêu dấu của bạn đừng ham thích “hột xoàn” là được….



VÌ ĐÓ LÀ EM (Live)
Nhạc và Lời: Diệu Hương
Trình bày: Hoàng Thanh Tâm


NS Hoàng Thanh Tâm với "Vì Đó Là Em" (LIVE) tại cafe Tháng 6

VÌ ĐÓ LÀ EM - Diệu Hương (LIVE)

Tôi bắt đầu biết đến những bài tình ca của Diệu Hương cách đây 8 năm, qua một album CD của chị mang tên “Khắc khoải” (Tình ca Diệu Hương 1), do một “người bạn gái” tôi quen trên mạng gởi tặng từ Mỹ.
Người bạn trong ngoặc kép này, cũng không hẳn là bạn, vì tôi chưa hề biết mặt mũi cô ta ra sao hết! Ngược lại cô ta cũng không hề biết tôi là nhạc sĩ. Tôi chỉ nhớ cô ta có một nickname rất thơ mộng là Hoavangmaydo. Chúng tôi chỉ liên lạc với nhau bằng email và bàn luận về âm nhạc… Khi thấy tôi “có vẻ” yêu thích âm nhạc, cô đã giới thiệu với tôi album CD của một người nữ nhạc sĩ mà cô ta rất thích: nhạc sĩ Diệu Hương. Từ đó tôi bắt đầu biết và chú ý đến Diệu Hương bởi nét nhạc thật sắc sảo và quyến rũ, biểu hiện một chiều sâu nội tâm và khả năng sáng tác ca khúc phong phú….

Khoảng tháng 8/2007, khi tôi còn điều hành một quán café hát với nhau mang tên cafe Serenade ở quận 1. Nhân dịp NS Diệu Hương về Việt Nam dự đám cưới của ca sĩ Quang Dũng. Một người bạn thân của Diệu Hương là chị Thanh Yên, một thân hữu của quán đã mời chị đến thăm quán nhạc của tôi. Và đó là lần đầu tiên tôi được diện kiến và chuyện trò với người nữ nhạc sĩ khả ái này. Xin mời các bạn nghe lời cảm tưởng của Diệu Hương và thưởng thức nhạc phẩm “Vì đó là em”, bài hát đã đem tên tuổi của ca sĩ Quang Dũng đến gần khán thính giả yêu nhạc, qua phần trình bày của chính tác giả trên sân khấu café Serenade:



VÌ ĐÓ LÀ EM (Live)
Nhạc và lời: Diệu Hương
Trình bày: Diệu Hương
Keyboard: Quốc Đại

Không cần biết em là ai
Không cần biết em từ đâu
Không cần biết em ngày sau
Ta yêu em băng mây ngàn biển rộng
Ta yêu em qua đông tàn ngày tận
Yêu em như yêu vùng trời mênh mông

Không cần biết đêm dài sâu
Không cần biết bao gầy hao
Ta ngồi đếm tên thời gian
Nghe thương yêu dâng cao như ngọn đồi
Như xa xôi nay quay về gần gủi
Yêu em khi chỉ biết đó là em

Để rồi từ đó ta yêu em không ngại ngần
Để rồi từ đó trong bước chân nghe gần hơn
Một ngày lại đến trái tim ta dại cuồng
Rồi từng chiều lên mang nỗi buồn vô biên

Cho dù biết em rồi đi
Cho dù biết không chờ chi
Nhưng lòng vẫn nghe cuồng si
Nghe trong ta quên đi lòng sầu hận
Ta yêu em chưa bao giờ một lần
Yêu em vì chỉ biết đó là em


Nữ nhạc sĩ Diệu Hương tại cafe Serenade 12/08/2007

Saturday, July 11, 2009

DỤC TÍNH TRONG ÂM NHẠC TRỊNH (Hoàng Thanh Tâm)

Gởi Trần Trung Đạo, Tuấn Khanh, Huỳnh Duy Lộc, Nguyễn Tuấn, QS Ta, Trần Quốc Bảo, Khả Tú, Nguyễn Công Viên, Đàm Xuân Lộ, Nguyễn Đình Trần Chính, Trần Cảnh Mẫn cùng tất cả bạn hữu Pétrus Ký của tôi ....

“Tôi biết sức mạnh của ngôn từ...ngôn từ là tướng của đạo quân sức mạnh con người. Và ngôn từ khi được cất lên bằng giai điệu của trái tim, sẽ là thần tướng của đạo quân Nhân Bản.."" (Maiakovsky)



Tân nhạc cải cách Việt Nam chỉ thật sự được khai sinh từ năm 1930, và có thể xếp loại theo từng giai đoạn như sau:

1. Giai đoạn tượng hình (theo NS Trần Quang Hải) [1] 1930-1937
2. Giai đoạn thành lập 1938-1945 hay còn thường được gọi là dòng Nhạc Tiền Chiến
3. Giai đoạn kháng chiến 1945-1954
4. Giai đoạn 1954-1975 thời cực thịnh của nền tân nhạc tự do miền nam Việt Nam
5. Giai đoạn nhạc hải ngoại 1975 cho đến nay.

Trong khuôn khổ của bài viết theo chủ đề này, tôi chỉ xin đề cập đến dòng nhạc của 2 giai đoạn 1954-1975, và dòng nhạc từ 1975 cho đến nay. Chủ yếu là những sáng tác của những nhạc sĩ ở trong miền Nam sau năm 1954, và một số sáng tác ở hải ngoại sau 1975.

Trước khi đi vào bài viết này, tôi xin phép được lưu ý quý độc giả, là bài viết này chỉ mang tính cách là một bài phiếm luận. Không phải là một bài viết phân tích về giá trị nghệ thuật trong âm nhạc, hay một bài phê bình văn học. Tôi chỉ viết những gì thuộc về cảm tính của mình, với những hiểu biết khiêm tốn của một nhạc sĩ sáng tác. Xin những nhà nghiên cứu âm nhạc và những học giả uyên bác hãy lượng thứ cho những thiếu sót nếu có.

***

Không biết tôi có chủ quan hay mang nặng “dân tộc tính” trong suy nghĩ của mình không, khi nói rằng ngôn ngữ Việt Nam của chúng ta phong phú và kỳ diệu hơn ngôn ngữ …. Tây phương. Phong phú ở chỗ là khi muốn diễn đạt một ý tưởng hay một hình ảnh nào, chúng ta có thật nhiều từ ngữ và nhiều cách khác nhau, để nói lên được cho người khác hiểu điều mình muốn nói. Ngoài những phương pháp (thủ thuật) trong mỹ từ pháp như: nhân cách hóa, ẩn dụ, điệp ngữ, ngoa ngữ, thậm xưng, hoán dụ, đảo ngữ…Tiếng Việt còn những cách nói lái, nói mĩa, nói bóng gió, nói cạnh, nói khóe, nói ẩn dụ, nói “chặn họng”, nói cương, nói đãi bôi, nói điêu, nói lẫy vv….

Trong âm nhạc, cách sử dụng những từ ngữ để đặt thành lời nhạc, không thể học bằng lý thuyết, như môn giảng văn hay những môn khoa học…Ngay cả khi học về lý thuyết sáng tác trong âm nhạc, không ai có thể dạy cách đặt những ca từ như thế nào mới là đúng là hay cả! Những lời lẽ, hay ý tưởng để diễn tả cảm xúc vào bản nhạc, đều nằm trong cái năng khiếu sáng tạo, để tạo nên “hồn nhạc” của người viết nhạc. Và cái hồn nhạc này quyết định cho sự thành công hay thất bại của một bản nhạc.

Vì vậy để sáng tác một bản nhạc hay, làm rung động hồn người, người nhạc sĩ ngoài những kiến thức chuyên môn trong âm nhạc, cần phải có chiều sâu và sự nhạy cảm trong tâm hồn. Một khối óc thông minh, tinh tế và cảm thức thẩm mỹ, để có thể “thẩm định” một cách chính xác, cái đẹp của những giai điệu mình đã viết ra. Sao cho thính giả cũng cảm nhận được cái đẹp giống như người sáng tạo. Giai điệu đẹp, khi được chuyển tải bằng lời nhạc hay, viết ra từ những cảm hứng đích thực, sẽ tạo được một sự cộng hưởng, để mang lại sự rung động thật sự cho người thưởng ngoạn …. Những kỹ năng này đòi hỏi một khả năng thiên phú ở người nhạc sĩ. Vì nếu không, bản nhạc chỉ là một tập hợp những chuỗi âm thanh vô vị, và những từ ngữ thô thiển, sáo rỗng …

Đa số những nhạc sĩ nổi tiếng, đều có những sáng tạo ngôn ngữ riêng cho mình, bằng những từ ngữ mượt mà, trau chuốt trong những tác phẩm của họ. Chính cái ngôn ngữ tạo nên một thần thái riêng này, đã hình thành nên phong cách của từng nhạc sĩ. Những phong cách đó sẽ được khán thính giả đánh giá và thẩm định qua chính những tác phẩm của mỗi tác giả, tùy theo trình độ cảm nhận của người thưởng ngoạn. Trong khuôn khổ hạn hẹp của một bài phiếm luận, tôi chỉ có thể đưa ra một số ví dụ của một vài nhạc phẩm, để minh họa cho sự sáng tạo phong phú của những nhạc sĩ, và sự khác biệt trong phong cách của họ.

Ví dụ khi người nhạc sĩ muốn diễn tả “sự phụ rẫy” của người tình. (Đề tài này có trong rất nhiều những bản nhạc sáng tác trong giai đoạn 1954-1975). Sự diễn đạt tâm trạng của mỗi tác giả thật vô cùng phong phú và đa dạng. Từ “chấp nhận” đến “than khóc”, đến “trách cứ”, đến “phẩn nộ”, đến muốn “trả thù” vv… Tựu chung, chỉ nói về cùng một đề tài là thất tình, nhưng mỗi tác giả lại diễn tả sự xúc cảm bằng “ngữ pháp” riêng của mình. Những ngôn ngữ này thể hiện trình độ diễn đạt và thái độ khác nhau của từng nhạc sĩ đối với cùng một sự kiện:

* … Sao em nỡ đành quên kỷ niệm chan chứa êm đềm
Sao em nỡ đành quên cho lòng này đau xót thêm…
(Sao em nỡ đành quên_Tô Thanh Tùng)

Thái độ của người bị phụ bạc trong nhạc phẩm của NS Tô Thanh Tùng là sự trách móc, than van, rồi khẩn nài như muốn níu kéo người tình trở về với mình, bằng một ngôn ngữ mộc mạc bình dị, không cần thi ngữ….

SAO EM NỠ ĐÀNH QUÊN - Trường Vũ


* “ … Em theo đời cơm áo.
Mai ra cùng phố xôn xao.
Bao nhiêu ngày yêu dấu tan theo
Ta ôm tình nặng trĩu
Nghe quanh đời mưa bão,
Ôi những ngày yêu dấu bọt bèo …”
(Yêu dấu tan theo_Trịnh Công Sơn)

Trịnh Công Sơn chấp nhận sự ra đi của người yêu, như một lẽ tự nhiên, không một lời oán trách, dẫu chỉ là một oán trách nhẹ nhàng. Tâm hồn ông bao dung và mênh mông như đất trời. Và cũng bởi ông đã từng quen với sự phụ rẫy của những người tình đã đi qua đời mình, với lời hẹn thề chỉ thoảng như gió bay, hay như những cơn mưa chợt đến rồi đi…“Từng người tình bỏ ta đi như những giòng sông nhỏ, ôi những giòng sông nhỏ, lời hẹn thề là những cơn mưa …” (Tình xa_Trịnh Công Sơn)

YÊU DẤU TAN THEO - Khánh Ly

* “ … Em xé đi linh hồn tôi đã bán
Em xé đi tim hồng tôi đã trao
Em, em xé đi cho nát tan một nụ cười
Cho chết đi một cuộc đời
Tình ta trót trao lầm …”
(Xé thư tình_Trương Hoàng Xuân)

Thái độ của người bị phụ tình trong bài “Xé thư tình”, có thể “thấy” được ngay ở cái tựa của bài hát. Tác giả tiếc nuối đã trao duyên lầm một “ác quỷ đầy quyền năng” và đã lỡ “bán linh hồn” mình cho “ác quỷ”. Vì vậy những lời oán trách kẻ phụ tình có vẻ “hằn học” hơn, chớ không nhẹ nhàng như Tô Thanh Tùng. Những ca từ cũng vay mượn nhiều mỹ từ pháp như thậm xưng, điệp ngữ, ẩn dụ, để diễn tả cõi lòng tan nát, khi người yêu đang tâm xé đi bức thư tình nồng cháy, như xé đi trái tim hồng của thi nhân…

XÉ THƯ TÌNH - Elvis Phương


* “ … Giết người đi! Giết người đi!
Giết người trong mộng đã bội thề
Giết người đi! Giết người đi!
Giết người quên tình nghĩa phu thê
.............................................................
Làm sao giữ được người trong mộng
Để được tình yêu, dẫu bẽ bàng.
Giết người trong mộng?
Hay giữ người trong mộng?
Giết người trong mộng?
Hay giữ người mộng mơ? …”
(Giết người trong mộng_Phạm Duy & Hàn Mặc Tử)

Nhạc phẩm “Giết người trong mộng” của NS Phạm Duy, phổ từ thơ Hàn Mặc Tử, diễn tả sự đau đớn tột đỉnh của tác giả khi bị phụ bạc, ca từ với điệp ngữ “giết người”, được “phù thủy âm nhạc” Phạm Duy cố tình lập đi lập lại, trong suốt bài hát, để diễn tả sự uất hận nghẹn ngào… Niềm đau đớn, dày vò, đày đọa trong tâm thức người thi sĩ, là chỗ mâu thuẩn nội tâm, giữa yêu và hận, giữa cái sống và cái chết… Tác giả giục giã gào thét “giết người đi”, nhưng rồi lại hỏi lại chính mình: “Làm sao giữ được người trong mộng, để được tình yêu dẫu bẽ bàng…”

GIẾT NGƯỜI TRONG MỘNG - Hoàng Thanh Tâm


* “ …Anh trở lại, đây kỷ vật viên đạn đồng đen
Em sang sông cho làm kỷ niệm
Anh trở về, anh trở về trên đôi nạng gỗ
Anh trở về, anh trở về bại tướng cụt chân
Em ngại ngùng dạo phố mùa xuân
Bên người yêu tật nguyền chai đá …”
(Kỷ vật cho em_Phạm Duy & Linh Phương)

Nhạc phẩm Kỷ Vật Cho Em của Phạm Duy, được phổ từ bài thơ “Để trả lời một câu hỏi” của Linh Phương năm 1970, là một thông điệp thống thiết để đánh thức lương tâm nhân loại trước một chiến tranh ý thức hệ, đã hủy diệt hằng triệu người Việt của cả hai miền Nam Bắc. Bản nhạc chỉ đề cập đến thân phận nhỏ nhoi của đôi tình nhân trong chiến tranh, nhưng những câu trả lời của người lính, đang phải kề cận với từng giây phút của cái chết, là một ám ảnh khôn nguôi trong tâm thức của hàng triệu người Việt Nam, trong giai đoạn dầu sôi, lửa bỏng của quê hương những năm đầu thập niên 70 khi bản nhạc ra đời, và cả cho đến hôm nay…
Lời lẽ của người lính trong bài thơ của Linh Phương, là một chứng cớ hùng hồn, để nói lên sự bi thảm, và hệ lụy của cuộc chiến Việt Nam, đã biến những trái tim yêu thương trở thành điên đảo lạnh lùng, và loang lỗ những vết chai đá hận thù …

KỶ VẬT CHO EM - Thái Thanh


* “… Chiều qua ru em ngủ,
chiều nay em theo chồng,
thế hỏi lòng có buồn không?...”
(Tương tư 4_Mặc Thế Nhân)

TƯƠNG TƯ 4 - Sĩ Phú


* “… Mưa bên chồng có làm em nhớ
những khi mình mặn nông?... “
(Bài không tên cuối cùng_Vũ Thành An)

BÀI KHÔNG TÊN CUỐI CÙNG - Elvis Phương


Chỉ riêng Mặc Thế Nhân và Vũ Thành An đều chấp nhận sự ra đi của người yêu, không một lời oán trách, mà chỉ lặng lẽ ôm nỗi tiếc nuối cho riêng mình …


Trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn, hầu như những lời nhạc của ông đều mang đậm chất thơ. Ngoài những câu nhạc như thi ngữ, người nhạc sĩ tài hoa này đã có những sáng tạo ngôn ngữ vô cùng phong phú cho riêng ông, để diễn tả ý tưởng hay cảm xúc, với những hình ảnh thật nghệ thuật bằng chữ nghĩa. Những chữ nghĩa mà chúng ta không thể tìm thấy ở bất cứ cuốn tự điển tiếng Việt nào như:

“Tóc chiều” (Dấu chân địa đàng), “Vết lăn trầm”(Vết lăn trầm), “Mắt đêm đèn vàng” (Biển nhớ), “Con tinh yêu thương” (Một cõi đi về) , “Tuổi đá buồn” (Tuổi đá buồn), “Hồn xanh buốt” (Diễm Xưa), “Tình đã nghìn thu” (Còn tuổi nào cho em), “Đá ngây ngô” (Rồi như đá ngây ngô), “Đá lên trong mình” (Du mục), “Vết buồn khắc trên da” (Yêu dấu tan theo), “Phơi tình” (Cỏ xót xa đưa), “Quỳ gối vong nô” (Ru em), “Một hồn thơm cây trái” (Ru Tình) vv …


14324546_517332278463620_4388623528117976300_o
Blog Widget by LinkWithin

nhạc sĩ HOÀNG THANH TÂM