Một hôm lang thang trên mạng, tình cờ mình gặp bài Tôi đi tìm lại một mùa xuân do Lệ Thu hát. Nghe một lần mà ấn tượng đến không dứt ra được, mình nghe đi nghe lại và ngay lập tức google tìm hiểu thêm về người nhạc sỹ đã viết nên bài này. Mất khá nhiều thời gian nhưng kết quả vô cùng khiêm tốn. Đoàn Nguyên – tác giả của bài hát - chỉ có duy nhất hai bài trên mạng, mà cũng chỉ bài này là còn tìm được, bài thứ 2 đã không còn. Bài Tôi đi tìm lại một mùa xuân được một số ca sỹ thể hiện, trong đó những bản phổ biến hơn cả là do Ngọc Lan, Lệ Thu và Hồ Hoàng Yến hát. Lệ Thu thì vẫn như mọi khi, hát như thể trò chuyện, không một chút gắng sức mà vẫn đầy biểu cảm và da diết, cũng là bản mình thích hơn cả.
- Thông tin tìm được trên mạng cho mình biết nhạc sỹ đã mất và có một cô con gái tên Mộng Trang, hiện là ca sỹ sinh sống tại Pháp. Vỏn vẹn có vậy. Không thể tìm thêm bất cứ thông tin nào. Chính vì vậy mình càng tò mò về ông hơn và đành gắng sức tưởng tượng về ông, về hoàn cảnh ra đời bài hát dựa trên những dòng ca giản dị mà đầy ám ảnh.
- Những lời ca thật buồn, nhắc đi nhắc lại về một “mùa xuân xưa cũ qua mất rồi” “mùa xuân đã rơi vào dĩ vãng” nhưng “vẫn còn dư hương”. Nhạc sỹ cứ nhắc đi nhắc lại về cái mùa xuân ấy, hay chỉ là một lần gặp gỡ ấy, bằng mấy dòng mà vẽ cả một bức tranh. Chắc hôm đó trời rất trong, mây rất trắng, tình cờ gặp nàng “khi pháo vang cuối đường/Tay khép áo xanh nhìn không nói”. Chắc không phải pháo tiễn nàng sang sông, vì nàng mặc áo xanh. Vậy có thể đoán nàng đơn giản đi cùng mọi người trong một đám cưới. Và những tình cảm tinh khôi, chắc của chàng trai mười bảy đôi mươi, chỉ một thoáng nhìn bối rối của người con gái đã đủ khiến chàng “lạc hồn về cõi tiên”.
- Chẳng thể biết gì hơn về mối tình, liệu có phải là một mối tình đầy lãng mạn, hay chỉ những tình cảm ấp ủ riêng trong lòng người con trai, chỉ một thoáng gặp ấy thôi, nhưng được gieo mầm trong một tâm hồn nghệ sỹ, đủ để làm nên một ca khúc đầy da diết, yêu thương, ám ảnh, để bao năm sau người con trai vẫn khắc khoải không nguôi, mãi đi tìm lại một mùa xuân của riêng mình
- Lòng đầy thương nhớ nhớ thương mà cũng đầy hoài nghi, bất an, sợ khi gặp lại sẽ làm “tan biến bao kỷ niệm/Sợ áo xanh phai màu năm tháng/Sợ xuân chưa hết mà đông sang”. Vì vậy mà người nghệ sỹ cứ mãi lạc trong cõi mơ hồ mộng tưởng, nửa phần khắc khoải, mong muốn “tìm lại một mùa xuân”, khi “Người xưa không biết lạc phương nào” rồi băn khoăn tự hỏi “Không biết khi xuân về trên áo/Màu xanh năm đó còn xanh không”. Mơ hồ nỗi sợ gặp lại, sợ hình ảnh vô cùng đẹp đẽ ngày, khiến hồn lạc vào cõi tiên, giờ đã có thể chẳng như xưa. Có gì đó gợi nhớ nỗi sợ trong Bóng câu qua cửa, của người đàn bà cuối đời tìm về gặp mối tình đầu, mà rồi cả hai bên, dù do tình cờ, mà lại như đôi phần cố ý, đã không thể gặp nhau, và vì thế, giữ mãi những ký ức đẹp về nhau, về đôi mắt như hồ nước và dáng vẻ hào hoa của tuổi đôi mươi.
- Dù mãi lang thang trong cõi vô định, dù hiểu rất rõ “Ngày xanh niên thiếu qua mất rồi”, và như một quy luật, “cuối thu mùa đông vẫn rơi”, người con gái ngày nào “đã vượt sông dài”, pháo đã rơi dưới thuyền hoa, mà sao “xuân này thương nhớ khôn nguôi”.
- Khắc khoải đến khôn cùng, trở đi trở lại là nỗi niềm về một mùa xuân, một người con gái, và hiểu rằng “tìm chỉ mà tìm như thế thôi”, bài hát khiến ai dường như cũng thấy một khoảnh khắc nào hình ảnh của mình trong đó. Một thoáng nét cười, một ánh nhìn da diết, dù có thể chỉ là như thế, nhưng đôi lúc theo người ta mãi.
- Chả hiểu sao, khi nghe bài hát này, mình luôn nghĩ đằng sau câu chuyện tình yêu, còn ẩn một điều lớn lao hơn nhiều. Có lẽ người nhạc sỹ cũng thuộc lớp các nhạc sỹ của những năm 60-75 ấy và đã buộc phải ra đi sau biến cố 75. Câu chuyện tình chỉ là cái cớ để ông nhớ về những mùa xuân quê hương trước kia, nhiều mùa xuân chứ không chỉ là một, giờ đây tất cả hòa tan vào thành một mùa xuân duy nhất, mùa xuân quê hương, mà chả biết liệu ông có được nhìn lại một lần cuối trước khi qua đời. Nhiều khả năng ông cũng thuộc lớp nhạc sỹ chỉ một lần duy nhất ôm đàn. Những tâm sự chất chồng không nén nổi, tự tuôn ra thành những dòng nhạc, lời thơ, cay đắng nhớ về mùa xuân tuổi trẻ của mình, một mùa xuân đã vĩnh viễn ra đi, để lại nỗi niềm chỉ có thể gửi vào những giai điệu da diết đến nhường ấy. Cả cuộc đời lang thang trong mộng tưởng, tìm, mà biết rằng “tìm để mà tìm như thế thôi”, sẽ chẳng bao giờ, chẳng bao giờ có thể tìm lại cái mùa xuân ấy. Số phận của ông, hay số phận chung của cả một thế hệ các văn nghệ sỹ, rất nhiều người phải đi trại cải tạo, người đã mất khi còn khá trẻ, người thì tìm quên trong đáy chén, người thì làm đủ các công việc chân tay trôi nổi qua tháng ngày, có người khi ra đi chỉ để lại đôi dép lê là gia tài đáng giá nhất, và biết bao người tha hương, đau đáu nhớ về một mùa xuân xưa cũ. Điều an ủi cuối cùng, nhạc sỹ đã để lại trên đời một bài hát mà chắc chắn các thế hệ sau sẽ tiếp tục rung cảm.
(Bài viết của Đặng Tuyết Anh)
TÔI ĐI TÌM LẠI MỘT MÙA XUÂN
__________________________________
Nhạc và Lời: Đoàn Nguyên
Hòa âm: Thanh Lâm
Trình bày: Hoàng Thanh Tâm
__________________________________________
Tôi đi tìm lại một mùa xuân
Mùa xuân xưa cũ qua mất rồi
Mùa xuân đã rơi vào dĩ vãng
Mà xuân nay vẫn còn dư hương
Tôi đi tìm lại một mùa xuân
Gặp nhau khi pháo vang cuối đường
Tay khép áo xanh nhìn không nói
Lạc hồn vào cõi tiên nào đây
Tôi đi tìm lại một mùa xuân
Sợ khi tan biến bao kỷ niệm
Sợ áo xanh phai màu năm tháng
Sợ xuân chưa hết mà đông sang
Nên tôi tìm lại một mùa xuân
Người xưa không biết lạc phương nào
Không biết khi xuân về trên áo
Màu xanh năm đó còn xanh không
Ngày xanh niên thiếu qua mất rồi
Khi cuối thu mùa đông vẫn rơi
Khi áo xanh đã vượt sông dài
Khi pháo rơi dưới thuyền hoa rồi
Còn xuân này thương nhớ không nguôi
Tôi đi tìm lại một mùa xuân
Dù không mong đến chuyện tương phùng
Dù tháng năm trôi vào xa vắng
Mà xuân nay khác biệt xuân xưa
Tôi đi tìm lại một mùa xuân
Màu xanh năm đó chưa thấy lại
Tôi vẫn đi trong chiều xuân tái
Tìm để mà tìm như thế thôi...
No comments:
Post a Comment