Xin quý thính giả điền tựa đề bài hát có dấu tiếng Việt, vào ô SEARCH bên tay phải để kiếm bài hát mình muốn nghe.
Click Vào Đây Để Thưởng Thức Những Nhạc Phẩm TOP HITS Của NS Hoàng Thanh Tâm trên YOUTUBE

Sunday, October 3, 2021

VẾT LĂN TRẦM (Trịnh Công Sơn) - Hoàng Thanh Tâm

Trịnh Công Sơn đã từng viết “Mỗi bài hát của tôi là một lời tỏ tình với cuộc sống, một lời nhắn nhủ thầm kín về những nỗi niềm tuyệt vọng, … .”. Vậy lời nhắn nhủ thầm kín đó của ông trong bài hát “Vết lăn trầm” là gì? 

Khi nghe giọng Khánh Ly vang lên: “Vết lăn! vết lăn trầm!...”, lòng tôi như se lại, một cảm giác bâng khuâng không rõ cội nguồn, cảm giác cô đơn, vắng lặng phủ lấy tâm hồn rồi đẩy tôi vào một trạng thái trầm tư kéo dài đến nỗi khi bài hát đã qua rồi mà tôi còn chưa tỉnh lại! Vết lăn trầm, trước tiên đó là một hình ảnh hay là một dấu tích của một kiếp người ngắn ngủi, nhưng lại vô cùng khổ đau, trầm luân và lận đận. Nhưng nếu chỉ có vậy thì chưa thể nào hiểu được lời nhắn nhủ thầm kín của Trịnh Công Sơn trong bản nhạc này là gì. 

“Hằn trên phiến đá nâu thêm ưu phiền...”, Với Trịnh Công Sơn, cuộc đời con người thật là ngắn ngủi như một vết chân chim hằn trên đá, trên cát. Nó xuất hiện rồi nhanh chóng phai mờ, như “có lần chim muông hằn dấu chân”. Đời người ngắn ngủi được Ông viết trong nhiều bài hát: “Mùa xuân quá vội. Mười năm tắm gội. giật mình ôi chiếc lá thu phai." (Chiếc lá thu phai), hay “Ôi tiếng buồn rơi đều, nhìn lại mình đời đã xanh rêu” (Tình xa). 

Nhưng thật là trớ trêu, đời người ngắn ngủi là vậy mà con người lại phải gánh chịu biết bao đau khổ, tủi hờn, như nhân gian đã có lần than thở đời là bể khổ, vì mấy ai hiểu được cuộc đời để mà sống qua cho đúng nghĩa con người, “làm sao em nhớ những vết chim di” (Diễm xưa), “Có biết gì về ngày chưa tới” (Cỏ xót xa đưa) để mà “về thu xếp lại … Vội vàng thêm những lúc yêu người” (Chiếc lá thu phai). 

Ở một góc nào đó của cõi trần gian, thân phận con người là định mệnh, không thể kháng cự mà bị đẩy đưa lăn lóc, con người phải chấp nhận số mệnh và sống qua cuộc đời đầy bất hạnh như một viên đá để lại một vết lăn buồn: “Người chợt nhớ mình như đá. Đá lăn, vết lăn buồn”. 

Cũng đã có mấy ai nhận thức được cội nguồn của những nỗi bất hạnh mà con người phải gánh chịu kể từ khi bắt đầu cuộc sống, “Trẻ thơ ơi, trẻ thơ ơi, tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người” (Gọi tên bốn mùa). 

Cội nguồn đó chính là cái ác đã và đang ẩn náu ngay chính bên trong con người. Bởi vì anh mang danh là con người, nhưng thực ra anh đang ngụy trang che giấu cái gốc gác xa xưa của mình, bởi vì anh xuất thân từ loài dã thú: “Từ hoang xưa dấu thân anh dã cầm. Ôi vết hằn ghi trên bồn gió hoang” (không phải là “Từ hoang xưa dấu chân anh dạ cầm” như Tuyển tập những bài ca không năm tháng đã in sai, và vô nghĩa). Cái ác của chính con người từ cổ chí kim đã và đang là cội nguồn của mọi nỗi bất hạnh trên thế gian. Và chính nó vẫn còn ghi lại những vết hằn trong quá khứ không ai có thể chối bỏ được, trên những thành quách, những đài tưởng niệm, những mộ bia hoang vắng, … và hãy còn lưu lại trong sử sách: “Ôi vết hằn ghi trên bồn gió hoang”. Bồn gió hoang không phải là một từ ghép. Bồn là một thực thể vật chất hiện hữu, gió hoang chỉ đóng vai trò một trạng từ không gian. Nếu chúng ta bỏ ra một ít thời gian để làm một chuyến đi, một cuộc hành trình đi từ hiện tại về quá khứ, để chiêm nghiệm, để thấy tận mắt, nghe tận tai về những vết hằn đẫm máu của cái ác vẫn còn lưu lại ở nhiều nơi, thì chúng ta sẽ hiểu được thế nào là vết hằn ghi trên bồn gió hoang. Hãy nghe lại tích xưa như Trọng Thủy Mỵ Châu để biết đâu là tình yêu, tham vọng, sự phản bội và những cái chết; hãy lật báo hàng ngày ra mà xem cảnh cướp của giết người, anh em giết nhau, vợ giết chồng, chồng giết vợ; hãy đến bên tượng đài Sơn Mỹ để xem và nghe người ta đã giết dân mình như thế nào; hãy mở sách sử để xem cội nguồn của cái chết trên hai triệu người dân Việt vì đói năm 1945; hãy sang Campuchia để chứng kiến vết tích của sự diệt chủng; hãy trở lại Liên Xô (cũ) đứng bên những ngọn lửa nhỏ của những đài tưởng niệm chiến sỹ vô danh để nghe có đến hai mươi triệu người đã chết trong chiến tranh vệ quốc... và còn biết bao nhiêu những vết hằn của cái ác do chính con người đã gây ra nữa! mà kể ra, cả đôi môi và tâm trạng người ta càng cảm thấy u uất hơn: “Chờ ta da du một chuyến. Ôi môi hờn xin đừng kể lại tích xưa buồn hơn”. Từ “da du” được sáng tạo bởi Trịnh Công Sơn với ý nghĩa như vậy, hẳn không phải “Chờ ta giao du một chuyến” như có ca sỹ đã hát. 

Như một nỗi niềm tuyệt vọng trước những thực tại đau buồn, như một sự tương phản với thực tại, lời ca đột ngột nhắc lại cái đích không xa mà mọi con người đều phải đến: “Đợi chờ năm làm gió qua truông thiên đàng”. Cái đích ấy đã được Trịnh Công Sơn viết không chỉ một lần: “Người đã đến và người sẽ về bên kia núi” (Cỏ xót xa đưa), “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi” (Cát bụi). 

Sự tương phản ở đây khiến ta cảm nhận có một sự vô nghĩa nào đó đang hiện hữu, một sự lầm đường lạc lối nào đó của con người đang tồn tại. Nó khiến ta muốn phủ nhận cái xấu xa đang hiện hữu để vươn tới những gì cao thượng hơn mà lẽ ra con người phải có được trong khi còn “ở trọ” chốn trần gian. Đó là những gì? Đó là tuổi thơ vô tội, là những bài ca dao đầy ắp tình thương mà mẹ đã một thời hát ru con ngủ. Đó là tình yêu và là cái thiện! (Theo Nhà văn Trương Hồng Mẫn) 


VẾT LĂN TRẦM
   
************************* 
Sáng tác: Trịnh Công Sơn 
Trình bày: Hoàng Thanh Tâm 
***************************

 Vết Lăn, vết lăn trầm 
Hằn trên phiến đá nâu thêm ưu phiền 
như có lần chim muông hằn dấu chân 
người đi phiêu du từ đó 
chưa thấy về quê nhà 
rộng đôi cánh tay chờ mong 
người chợt nhớ mình như đá
Đá lăn vết lăn buồn 
từ hoang xưa dấu thân anh dã cầm 
Ôi vết hằn ghi trên bồn gió hoang 
Chờ ta da du một chuyến 
Ôi môi hờn xin đừng 
kể lại tích xưa buồn hơn 
Đợi chờ năm làm gió qua truông thiên đàng 

Thôi ngủ yên đi con, 
Ngủ đời yên đi con, 
che dấu thân đau rã mòn, 
ngủ đời yên đi con 
Như vết thương đau ngủ buồn 
như trùng dương đêm mắt thâm 
còn nghe ngóng
Đá lăn vết lăn trầm 
Từ cơn đau ấy, lưu thân mỏi mòn 
Ôi mắt thầm van xin lời thánh đêm 
Bài ca dao trên cồn đá, 
trên ngai vàng quê nhà 
Một thời ngủ yên tuổi xanh 
Rồi một hôm 
chợt thấy hoang vu quanh mình

 
   

Flag Counter

No comments:

14324546_517332278463620_4388623528117976300_o
Blog Widget by LinkWithin

nhạc sĩ HOÀNG THANH TÂM